Dulichthaiduong.com – Là một trong những địa chỉ du lịch được nhiều bạn trẻ lẫn du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích khi đến Tây Bắc. Nếu bạn đang có kế hoạch đến khám phá vùng đất Cao Bằng này thì nhất định không được bỏ qua những kinh nghiệm sau đây nhé.
Danh mục nội dung
1. Thời điểm lý tưởng để đến du lịch Cao Bằng ?
Cao Bằng có nền khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt đó là mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 – 9 và mùa khô khéo dài từ tháng 10 – 3 năm sau.
– Tháng 8 – 9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp, nếu các bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng nhé.
– Nếu thích đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch (tương tự như mùa hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang vậy)
– Nếu bạn thích ngắm băng tuyết, thì nên đi vào mùa đông (cuối năm trước đến khoảng đầu năm sau), thời điểm này ở phía rừng Pia Oắc nhiệt độ thường hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.
2. Phương tiện di chuyển đến Cao Bằng ?
– Đi bằng xe khách: Các bạn có thể lựa chọn đi xe ghế ngồi hoặc giường nằm, mất khoảng 5h để đi từ Hà Nội lên Cao Bằng. Xe giường nằm có nhà xe Vĩnh Dung, Khánh Hoàn, Thanh Ly, Bốn Hai; khởi hành từ Hà Nội vào buổi tối, giá vé từ 180k – 200k. Xe ghế ngồi thì có nhà xe Lương Sùng, Hiền Lợi; khởi hành buổi sáng, giá vé khoảng 160k.
– Đi bằng xe máy: Nếu bạn là người muốn trải nghiệm đường trường bằng xe máy cho cơ động và cũng tiện cho việc khám phá các cảnh quan tuyệt đẹp của Tuyệt tình Cốc, Hồ Thanh Hen hay chinh phục Núi Phja Oắc đều thuận lợi.
Tuy nhiên đường lên Cao Bằng có khá nhiều đèo dốc quanh co và có nhiều xe tải cỡ lớn, nên bạn cần có nhiều người đi cùng và tuyệt đối đừng bao giờ lấn đường để giữ an toàn trong chuyến hành trình chinh phục và khám phá danh lam thắng cảnh non nước hữu tình của tỉnh Cao Bằng.
Đường giao thông lên Cao Bằng chỉ duy nhất là đường bộ. Có 3 lộ trình để du khách đến với Cao Bằng:
– Lộ trình thứ nhất: đi theo đường Quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng. Lộ trình này đường đã dễ đi, xe chạy theo đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sau đó chạy đường tránh (cao tốc) Thái Nguyên – Bắc Kạn. Theo lộ trình này xe du lịch chạy hết 5-6 giờ.
– Lộ trình thứ hai: Bạn đi theo hướng Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng, lộ trình này xe chạy theo cao tốc Hà Nội – Lạng sơn, sau đó chạy theo quốc lộ 4 đến Cao Bằng. Lộ trình này, bạn sẽ được trải nghiệm đèo Bông lau lịch sử và di tích nhà tù thực dân và đế quốc mỹ tại xã Vân Trình huyện Đông Khê.
– Lộ trình thứ ba: đi từ Hà Nội – Hà Giang – Cao Bằng, theo lộ trình này bạn sẽ được trải nghiệm khu cao nguyên đá Đồng Văn, dòng sông Gâm thơ mộng, khu du lịch sinh thái Tinh Túc – Phia Đén – Phia Oắc với cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, cây cối xanh tươi, chim chóc hót líu lo suốt chặng đường.
3. Lưu trú tại Cao Bằng
Những nhà nghỉ, khách sạn ở Cao bằng tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, nhưng giá phòng lại tương đối rẻ, chỉ khoảng từ 250k là bạn đã có thể thuê được phòng chất lượng rồi. Dưới đây là 1 số gợi ý tuỳ theo địa điểm mà bạn muốn tham quan để chọn khách sạn thuận tiện:
– Ở Trùng Khánh: Nhà nghỉ Hoàn Lê, nhà nghỉ Thiên Tài, nhà nghỉ Đình Văn
– Ở trung tâm Cao Bằng: Khách sạn Đức Trung, Bằng Giang, Hoàng Anh, Ánh Dương, Hoàng Long. Nếu muốn lựa chọn homestay tại trung tâm thành phố thì có thể lựa chọn Primrose Homestay Cao Bang.
4. Địa chỉ tham quan nổi tiếng ở Cao Bằng ?
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Thác Bản Giốc được hình thành từ dòng sông Quây Sơn được bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy vào việt Nam tại cửa khẩu Pò Peo thuộc xã Ngọc Côn, chảy qua các xã Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy dòng sông chia thành nhiều nhánh rồi tụt xuống ở độ sâu khoảng 35m tạo thành thác Bản Giốc hùng vĩ.
Vào mùa mưa, dòng thác đổ xuống ào ào vang xa khắp thung lũng, những hạt nước nhỏ li ti bay trong không trung tạo thành mây mù giữa núi rừng và cánh đồng lúa xanh bát ngát. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình thu hút du khách thập phương đến đây tham quan, tận hưởng cảnh đẹp say đắm lòng người.Thác Bản Giốc là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng trong hành trình Du lịch tại Cao Bằng.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt xây dựng. Tháng 06/2013, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công tại núi Phia Nhằm cách thác Bản Giốc 500m. Các hạng mục của chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam.
Suối Lê Nin
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin dường như không dành được sự quan tâm quá nhiều của các bạn trẻ vốn đang say mê hướng về những địa danh nổi tiếng đậm chất phiêu lưu. Tuy nhiên, dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ, vẻ đẹp thiên nhiên trời phú tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc, nơi địa đầu của tổ quốc, sẽ khiến cho dân xê dịch thích sự thanh bình và êm ả.
Động Ngườm Ngao
Trong tiếng dân tộc Tày động Ngườm Ngao có nghĩa là Hang Hổ, theo truyền thuyết, tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao. Động có chiều dài hơn 2000m, trong động có nhiều nhũ đá, măng đá với nhiều hình khối khác nhau như: đài sen, cột đá cô đơn, thác vàng, thác bạc và muôn vàn nhũ đá lớn nhỏ đã tạo nên một cung điện thần tiên trong lòng núi đẹp lộng lẫy, nguy nga và tráng lệ.
Hiện động Ngườm Ngao chỉ mới đưa vào khai thác du lịch được 1/3 chiều dài của hang động, còn 2/3 chiều dài của hàng vẫn chưa được đưa vào khai thác. Động Ngườm ngao nằm trong quần thể du lịch Bản Giốc của Cao Bằng.
Hồ Thang Hen
Còn gọi là hồ Đuôi Ong là một hồ nước tự nhiên được hình thành bởi các dòng sông ngầm và hang cacxtơ, Hồ Thang Hen nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là các dãy núi đá vôi tại xã Quốc Toản huyện Trà Lĩnh. Hồ có độ cao so với mực nước biển trên 1000m và có chiều rộng 100 – 200m chiều dài 500 – 1000m tùy theo mực nước mùa khô và mùa mưa.
ảnh: ktrippa
Nhìn từ trên cao xuống mặt hồ được ví như viên Ngọc Bích khổng lồ bởi màu nước xanh ngắt đến lạ kỳ. Vào mùa mưa nước hồ không đổi màu vẫn trong xanh như thường lệ. Những hàng cây lớn nhỏ quanh hồ đua nhau tỏa bóng xuống mặt hồ tạo nên một bức tranh sơn thủy bậc nhất Việt Nam
5. Đặc sản nổi tiếng tại Cao Bằng ?
Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
Bánh cuốn Cao Bằng
Món ăn này đặc biệt nhất ở nước dùng, không như người Hà Nội hay Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng lại nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Phở chua
Đây là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo.
Xôi xám Cao Bằng
Lên Cao Bằng, ta sẽ gặp món xôi trám ở khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, tiệc cưới hỏi cho tới những bữa ăn ấm cúng dịp cuối tuần của các gia đình. Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Vị bùi của trám bao lấy những hạt nếp dẻo mọng, ăn hoài không ngấy và đặc biệt không có cảm giác bị nóng cổ dù ăn rất nhiều.
Trên đây là những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng tự túc từ A-Z mà Du Lịch Thái Dương đúc kết được, hy vọng với những gợi ý này sẽ giúp bạn có được chuyến đi sắp đến có nhiều trải nghiệm thú vị sắp tới tại mãnh đất vùng Tây Bắc này.