Dulichthaiduong.com – Thác Bản Giốc, Suối Lê Nin, Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao,… là những địa điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Cao Bằng. Nếu có dịp đến với nơi này thì nhất định các bạn không được bỏ qua những địa danh này nhé.
Danh mục nội dung
1. Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Thác Bản Giốc được hình thành từ dòng sông Quây Sơn được bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy vào việt Nam tại cửa khẩu Pò Peo thuộc xã Ngọc Côn, chảy qua các xã Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy dòng sông chia thành nhiều nhánh rồi tụt xuống ở độ sâu khoảng 35m tạo thành thác Bản Giốc hùng vĩ.
Vào mùa mưa, dòng thác đổ xuống ào ào vang xa khắp thung lũng, những hạt nước nhỏ li ti bay trong không trung tạo thành mây mù giữa núi rừng và cánh đồng lúa xanh bát ngát. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình thu hút du khách thập phương đến đây tham quan, tận hưởng cảnh đẹp say đắm lòng người.Thác Bản Giốc là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng trong hành trình Du lịch tại Cao Bằng.
2. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt xây dựng. Tháng 06/2013, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công tại núi Phia Nhằm cách thác Bản Giốc 500m. Các hạng mục của chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam.
3. Suối Lê Nin
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin dường như không dành được sự quan tâm quá nhiều của các bạn trẻ vốn đang say mê hướng về những địa danh nổi tiếng đậm chất phiêu lưu. Tuy nhiên, dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ, vẻ đẹp thiên nhiên trời phú tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc, nơi địa đầu của tổ quốc, sẽ khiến cho dân xê dịch thích sự thanh bình và êm ả.
4. Động Ngườm Nga
Trong tiếng dân tộc Tày động Ngườm Ngao có nghĩa là Hang Hổ, theo truyền thuyết, tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao. Động có chiều dài hơn 2000m, trong động có nhiều nhũ đá, măng đá với nhiều hình khối khác nhau như: đài sen, cột đá cô đơn, thác vàng, thác bạc và muôn vàn nhũ đá lớn nhỏ đã tạo nên một cung điện thần tiên trong lòng núi đẹp lộng lẫy, nguy nga và tráng lệ.
Hiện động Ngườm Ngao chỉ mới đưa vào khai thác du lịch được 1/3 chiều dài của hang động, còn 2/3 chiều dài của hàng vẫn chưa được đưa vào khai thác. Động Ngườm ngao nằm trong quần thể du lịch Bản Giốc của Cao Bằng.
5. Hồ Thang Hen
Còn gọi là hồ Đuôi Ong là một hồ nước tự nhiên được hình thành bởi các dòng sông ngầm và hang cacxtơ, Hồ Thang Hen nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là các dãy núi đá vôi tại xã Quốc Toản huyện Trà Lĩnh. Hồ có độ cao so với mực nước biển trên 1000m và có chiều rộng 100 – 200m chiều dài 500 – 1000m tùy theo mực nước mùa khô và mùa mưa.
Nhìn từ trên cao xuống mặt hồ được ví như viên Ngọc Bích khổng lồ bởi màu nước xanh ngắt đến lạ kỳ. Vào mùa mưa nước hồ không đổi màu vẫn trong xanh như thường lệ. Những hàng cây lớn nhỏ quanh hồ đua nhau tỏa bóng xuống mặt hồ tạo nên một bức tranh sơn thủy bậc nhất Việt Nam.
6. Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Pác Bó thuộc xã Trường Hà – huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới hai nước Việt – Trung, cách Tp.Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng.
Trải qua những nốt thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
7. Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng
Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất bản Pò Tập thị trấn Tà Lùng – huyện Phục Hòa – Cao Bằng. Cửa khẩu Tà Lùng là điểm cuối của quốc lộ 3, tiếp nối là cầu Thủy Khẩu trên sông Bắc Vọng, nơi thông thương sang với cửa khẩu Thủy Khẩu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu chính của tỉnh Cao Bằng, nằm gần ngã ba nơi sông Bắc Vọng đổ vào sông Bằng. Sông Bắc Vọng có đoạn dài là biên giới tự nhiên ở phía đông huyện Phục Hòa.
8. Đèo Mã Phục
Đây là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL.3 từ Phủ Lỗ đến cửa với khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22km. Thuộc xã Quốc Toản – huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh. Đèo Mã Phục cao khoảng 620 m (để lên tới đỉnh phải vượt qua bảy vòng dốc).
Cung đèo này không quá rộng và cũng không quá nguy hiểm lắm, phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.
9. Cột Mốc biên giới Việt – Trung
Trong tổng số 1.971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng là tỉnh có nhiều cột mốc nhất (với 634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có ‘thế mạnh cột mốc’ – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu. Các bạn yêu thích việc check-in với các cột mốc biên giới có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch Cao Bằng.
Tuy nhiên các bạn cũng chú ý là trừ những mốc biên giới ở các vị trí lớn (ví dụ như cửa khẩu lớn, địa điểm du lịch) còn lại các mốc biên giới đều là khu vực khá nhạy cảm, các bạn nên xin phép rồi nếu được đồng ý thì nhờ bên biên phòng dẫn ra nhé.
10. Phia Đen – Phia Oắc
Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đen còn được gọi Phja Oắc – Phja Đén, đây là khu rừng đặc dụng có diện tích 10.245,6 ha nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây từng là khu nghỉ dưỡng được tìm ra và xây dựng bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Cách rừng đặc dụng Phia Oắc chừng 5km có ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là Nhà Đỏ. Chủ nhân của nó trước đây có tên là Phăngten. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc thời bấy giờ.
Có thể bạn quan tâm:
- Những kinh nghiệm cần biết khi đến du lịch Cao Bằng